SGK Lịch sử lớp 12 bộ Cánh Diều dạy học sinh yêu nước, trung thực, trách nhiệm

GD&TĐ – Năm học tới đây, sách giáo khoa ( SGK ) Lịch sử lớp 12 theo Chương trình GDPT năm 2018 chính thức đưa vào giảng dạy trên toàn quốc.
TS Nguyễn Văn Ninh giới thiệu SGK môn Lịch sử lớp 12 bộ Cánh Diều.
Dịp này, PV đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Ninh, Chủ biên SGK Lịch sử 12 bộ Cánh Diều về những đổi mới trong cách giảng dạy.Thực tế, phải thừa nhận rằng, môn Lịch sử theo cách học trong SGK cũ đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều thế hệ học sinh. Lý do cũng dễ hiểu, với phương pháp “đọc-chép”, dạy học khô cứng cùng với nhiều sự kiện lịch sử cần phải ghi nhớ chi tiết về thời gian đã “làm khó” học trò trong việc học. Vì thế, Lịch sử luôn có phổ điểm thấp nhất trong các môn học trong các kỳ thi học trước kia.

Vậy với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 có những đổi mới gì về phương pháp giảng dạy?

Điểm mới trong cấu tạo SGK Lịch sử

Theo TS Nguyễn Văn Ninh, SGK Lịch sử lớp 12 bộ Cánh Diều gồm 2 quyển. Trong đó quyển 1 là Sách Lịch sử gồm 6 chủ đề cốt lõi. Thời lượng dành cho lịch sử thế giới gồm 2 chủ đề: Thế giới trong và sau chiến tranh lạnh, ASEAN: những chặng đường lịch sử. Thời lượng dành cho lịch sử Việt Nam gồm 4 chủ đề gồm: Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt NamCông cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay;Lịch sử đối ngoại của Việt Nam thời cận  hiện đạiHồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam.

Cuối mỗi quyển sách là bảng Giải thích thuật ngữ; Bảng tra cứu địa danh/tên riêng nước ngoài và Mục lục.

Như vậy, có thể thấy khác với SGK cũ khi học sinh học lịch sử theo tiến trình thời gian, tập trung chủ yếu lịch sử hiện đại. Đến nay, SGK mới đã có sự thay đổi đáng kể, khi yêu cầu học sinh học tập theo các chủ đề và chuyên đề học tập. Điều này đòi hỏi học sinh phải tìm tòi, khám phá nhiều hơn.

Những điểm mới về mục tiêu dạy học Lịch sử trong sách mới

TS Nguyễn Văn Ninh cho biết thêm, trong quá trình biên soạn sách, Tổng Chủ biên, Chủ biên và các tác giả viết sách đã theo sát khung Chương trình GDPT 2018, sửa đổi, bổ sung năm 2022. Trong đó, SGK Cánh Diều còn phải đảm bảo được những điểm mới về mục tiêu, nội dung, hình thức của môn Lịch sử.

Đầu tiên, nội dung và các hoạt động học tập trong tất cả các chủ đề/ bài học và chuyên đề của SGK Lịch sử 12 đều được biên soạn, xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. “Đó là các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; các năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; các năng lực đặc thù: tái hiện lịch sử, nhận thức và tư duy lịch sử, liên hệ và vận dụng kiến thức vào thực tiễn”, TS Nguyễn Văn Ninh khẳng định.

Thứ hai, sách lựa chọn được những nội dung cơ bản, cốt lõi, đảm bảo tính hệ thống của kiến thức và kĩ năng. Nội dung các chủ đề/ bài học, chuyên đề vừa có độ mở, vừa được tích hợp với nhau tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; tạo bối cảnh để học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.

Nội dung các bài học trong chủ đề/ chuyên đề được thể hiện qua các hoạt động khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng, đáp ứng quá trình nhận thức của học sinh, đồng thời gây hứng thú và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.

Thứ ba, sách thể hiện đúng và đầy đủ các nội dung được quy định của môn Lịch sử trong Chương trình GDPT năm 2018, sửa đổi, bổ sung năm 2022. Tất cả các mạch nội dung đều bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực và phù hợp với thực tiễn Việt Nam gồm những điểm sau đây: phát triển các năng lực chung, các phẩm chất chủ yếu cho học sinh và năng lực đặc thù của môn Lịch sử; các chủ đề/ bài, chuyên đề cấu trúc theo đúng lô gích; mỗi chủ đề, chuyên đề có một số bài hoặc mục nhất định.

Thứ tư, yêu cầu về tích hợp và phân hoá được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ SGK Lịch sử lớp 12. Trong đó, tích hợp thể hiện ở trong một chủ đề/ bài, chuyên đề giữa các mạch nội dung và các hoạt động luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn sự gắn kết giữa các nội dung lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam; giữa điều kiện tự nhiên với kinh tế, chính trị, xã hội; giữa kiến thức Địa lí, Văn học, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật,… với kiến thức Lịch sử.

Đối với phân hoá, các nội dung và hoạt động học tập đều có tính mở để phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đồng thời giúp giáo viên linh hoạt hơn trong dạy học.

Thứ năm, những yêu cầu về đổi mới đánh giá thể hiện trong SGK Lịch sử 12 bộ Cánh Diều thông qua hệ thống câu hỏi luyện tập, vận dụng. Đó là: đánh giá phẩm chất và năng lực dựa vào những yêu cầu cần đạt; chú trọng đánh giá cả kiến thức và kĩ năng thông qua hình thức cá nhân, cặp, nhóm nhỏ; khuyến khích học sinh tự đánh giá hoặc đánh giá đồng đẳng.

Thứ sáu, về trình bày sách. SGK Lịch sử lớp 12 được trình bày theo các các chủ đề/ bài, chuyên đề nên có tính hệ thống, lô gích; thiết kế theo mô hình hoạt động, nội dung mỗi bài được thể hiện qua các hoạt động học tập; thiết kế đẹp, hấp dẫn, hiện đại, giàu tiện ích và dễ dàng sử dụng cho cả học sinh và giáo viên; hình ảnh trong sách được thiết kế đẹp mắt, sinh động, tạo hứng thú học tập cho học sinh; các kiến thức đều được trình bày ngắn gọn, súc tích, phù hợp trình độ nhận thức của học sinh; các câu lệnh trong sách ngắn gọn, thể hiện rõ các yêu cầu cần thực hiện, vừa thuận lợi cho hoạt động dạy – học.

“Với triết lý “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống” của SGK Cánh Diều, chúng tôi đã thiết kế SGK Lịch sử lớp 12 với yêu cầu các em học sinh phải tự học hỏi, tìm tòi nhiều hơn. Như vậy, các em sẽ yêu thích hơn khi tự mình khám phá ra những chi tiết, sự kiện lịch sử thú vị để đáp ứng cho môn học. Đây cũng là yêu cầu căn bản của Chương trình GDPT năm 2018, bổ sung năm 2022”, TS Nguyễn Văn Ninh nói.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/sgk-lich-su-lop-12-bo-canh-dieu-day-hoc-sinh-yeu-nuoc-trung-thuc-trach-nhiem-post672736.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *