SGK Địa lí 12 tăng cường nhận thức của HS về bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

GD&TĐ -Năm học 2023-2024, học sinh lớp 12 sẽ học môn Địa lí có nhiều khác biệt so với sách giáo khoa (SGK) cũ.
PGS. TS Nguyễn Minh Tuệ – Chủ biên SGK Địa lí lớp 12 bộ Cánh Diều.

Đó là những điểm mới nào? Mời thầy cô, học sinh hãy cùng lắng nghe chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ – Chủ biên SGK Địa lí lớp 12 bộ Cánh Diều để có những thông tin cụ thể.

PV: Xin chào PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ, bà hãy cho biết những thông tin chung về SGK Địa lí bộ Cánh Diều được triển khai trong năm học sắp tới?

PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ: Như chúng ta đều biết, SGK Địa lí mới nói chung và SGK Địa lí lớp 12 bộ Cánh Diều hiện nay đều được biên soạn theo khung Chương trình GDPT năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, nhấn mạnh việc biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

SGK Địa lí lớp 12 bộ Cánh Diều có 2 quyển, trong đó Quyển 1 là phần kiến thức chung gồm 4 chương và 30 bài. Học sinh sẽ được học về Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí các ngành kinh tế, Địa lí các vùng kinh tế. Mỗi bài học được thiết kế từ 2 đến 3 tiết, phù hợp với việc dạy của giáo viên và khả năng tiếp thu của học sinh.

Ở Quyển 2 Chuyên đề học tập Địa lí, các em sẽ được tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề cụ thể dưới sự hướng dẫn của giáo viên, đó là: Thiên tai và biện pháp phòng chống, Phát triển vùng, Phát triển làng nghề.

Bên cạnh các phần, bài, cuốn sách còn có Bảng giải thích thuật ngữ và Bảng tra cứu địa danh/tên riêng nước ngoài.

Tổng Chủ biên của SGK môn Địa lí lớp 12 Bộ Cánh Diều là NGƯT GS.TS Lê Thông, Chủ biên là tôi PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ cùng đội ngũ 7 tác giả là những giảng viên lâu năm, có kinh nghiệm trực thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quy Nhơn và Đại học Phenika.

PV: Vậy kết cấu của mỗi bài học như nào, thưa PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ?

Vào bài học chính sẽ có phần Mở đầu, xác định nhiệm vụ học tập của bài học, tạo tình huống có vấn đề, tạo hứng thú cho học sinh; phần Kiến thức mới, bao gồm phần chính văn, trình bày những nội dung cốt lõi của bài. Các câu hỏi xác định kiến thức cơ bản của nội dung bài học. Ngoài ra, ở một số bài còn có ô “Em có biết?”, để mở rộng hiểu biết của học sinh về một hiện tượng, đối tượng địa lí nào đó được nói đến trong bài hoặc liên hệ thực tế; kết thúc bài là phần Luyện tập và vận dụng, trong đó được tách ra thành các câu hỏi mức độ Luyện tập và mức độ Vận dụng.

Từ phần Mở đầu cho đến hết bài học, các phần đều được đánh dấu bằng các kí hiệu để các em học sinh dễ dàng nhận biết nội dung học tập.

PV: Ngay từ đầu bà đã nhắc đến phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, vậy điều này được thể hiện như thế nào trong SGK Địa lí lớp 12 bộ Cánh Diều?

PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ: Câu hỏi của bạn rất hay, có một điểm mới quan trọng mà tôi muốn chia sẻ ở đây. Đó là, SGK Địa lí lớp 12 sẽ chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Đây là xu hướng chung của thế giới và đang được triển khai ở Việt Nam thông qua các kiến thức kiến bản trong các lĩnh vực địa lí tự nhiên, dân cư, kinh tế cùng với việc sử dụng các tư liệu, hình ảnh, tình huống cụ thể ở Việt Nam và địa phương. Học sinh bước đầu được hình thành tình yêu quê hương, đất nước, lòng nhân ái, chăm chỉ, trung thực và sống có trách nhiệm.

Các bài học Địa lí 12 bộ Cánh Diều đã đưa ra những câu hỏi, bài tập cũng như các tình huống yêu cầu học sinh phải giải quyết. Ví dụ như “Em hãy thu thập thông tin về ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất công nghiệp” hay “Em hãy viết và trình bày báo cáo tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Từ những bài tập này đã góp phần tạo nên năng lực tự chủ, tự học và năng lực giải quyết vấn đề của học trò.

PV: Đối với SGK theo Chương trình GDPT 2018, phải đảm bảo được tính “hiện đại”, điều này được thể hiện thế nào trong sách Địa lí lớp 12 bộ Cánh Diều?

PGS. TS Nguyễn Minh Tuệ: Đầu tiên, tôi phải nói là SGK Địa lí 12 bộ Cánh Diều đã kế thừa những ưu điểm của SGK hiện hành. Mặt khác, trong quá trình làm sách, chúng tôi đã tiếp thu kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến; cùng với thực tiễn khả năng học tập của học sinh ở các vùng miền khác nhau.

SGK đảm bảo được tính “hiện đại”, điều đó thể hiện ở việc hiện đại hoá hệ thống kiến thức, có nhiều nội dung kiến thức mới phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay. Sách căn cứ vào các văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết mới nhất của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá; thay đổi tên các ngành công nghiệp hoặc các ngành công nghiệp gắn với khoa học công nghệ có giá trị xuất khẩu cao (điện tử, máy tính)tỉnh Quảng Ninh trước đây thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, nay thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng,…

PV: Việc dạy và học của giáo viên và học sinh thay đổi ra sao khi triển khai SGK Địa lí lớp 12 mới?

PGS. TS Nguyễn Minh Tuệ: Với các thầy cô, sách sẽ giúp đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới cách đánh giá thông qua hệ thống kênh hình, có sự tương tác trực tiếp với học sinh.

Các em học sinh được chủ động, sáng tạo trong học tập và có nhiều cơ hội tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tính thực hành, vận dụng được chú trọng ở trong mỗi bài học và nhiều nội dung trong bài đều gắn liền với thực tiễn ở Việt Nam hoặc là địa phương. Đặc biệt là các tình huống ở bài thực hành và phần Vận dụng. Các em phải thu thập tư liệu để viết báo cáo về các chủ đề như “mất cân bằng giới tính”, “Lao động và việc làm”, “Đô thị hóa ảnh hưởng đến cơ cấu lao động ở địa phương”, “quảng bá về địa phương”.

SGK Địa lí lớp 12 và sách Chuyên đề học tập Địa lí lớp 12 bộ Cánh Diều.

PV: Ngoài ra, SGK Địa lí lớp 12 bộ Cánh Diều còn những điểm mới nào, thưa bà?

PGS. TS Nguyễn Minh Tuệ:Cuốn sách còn chú trọng yêu cầu tích hợp – một trong những vấn đề được quan tâm khi biên soạn. Tích hợp được thể hiện ở nhiều mức độ và hình thức khác nhau. Đó là tích hợp giữa các kiến thức địa lí tự nhiên với địa lí kinh tế – xã hội; lồng ghép các nội dung liên quan (như biến đổi khí hậu, giáo dục dân số, di sản, hướng nghiệp,…); vận dụng kiến thức của các môn học khác (Lịch sử, Sinh học,…) để làm sáng tỏ các kiến thức địa lí.

Cách thiết kế các bài trong sách tạo điều kiện cho việc đổi mới về đánh giá kết quả giáo dục. Ngoài việc đánh giá kiến thức, giáo viên còn đánh giá kĩ năng của học sinh thông qua kênh hình, xử lí và hệ thống hoá thông tin, đặc biệt là khả năng vận dụng kiến thức đã học vào những tình huống cụ thể.

Sách được trình bày hấp dẫn, khơi gợi trí tưởng tượng về thế giới xung quanh, kích thích hứng thú học tập địa lí ở học sinh thông qua hệ thống các bản đồ, sơ đồ, biểu đồ và ảnh minh hoạ gắn chặt với nội dung mỗi bài.

Xin cám ơn những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/sgk-dia-li-12-tang-cuong-nhan-thuc-cua-hs-ve-bao-ve-chu-quyen-bien-dao-to-quoc-post672857.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *