Điều gì hấp dẫn ở sách giáo khoa Toán 12 bộ sách Cánh Diều?

(GDTĐ) – Không chỉ bám sát và cụ thể hóa những yêu cầu cần đạt của Chương trình môn Toán lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa Toán lớp 12 bộ Cánh Diều còn giúp học sinh ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống sau mỗi bài học.

Theo lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, từ năm học 2024-2025, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bắt đầu học sách giáo khoa (SGK) mới. Sách Toán 12 Cánh Diều là bộ sách Toán 12 được Hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đầu tiên. Nhóm tác giả đang giới thiệu bộ sách đến giáo viên cả nước để giáo viên tìm hiểu và chủ động trong việc lựa chọn sách để dạy cho học sinh.

Bộ sách được các tác giả viết theo tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các lớp học: “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”.

Bài học được bắt đầu với các tình huống thực tế có bối cảnh thực – Đây là điểm mạnh của bộ sách.

Thực tế trong dạy học là kiến thức toán khá trừu tượng nên để tạo động cơ cho học sinh tích cực tham gia vào bài học là điều rất khó. Bằng cách bắt đầu với các tình huống thực tế có bối cảnh thực, bộ sách đã đề ra một giải pháp để thu hút học sinh vào bài học. Sau tình huống, một câu hỏi được đặt ra gợi mở nhu cầu tìm hiểu tình huống. Câu hỏi này học sinh có thể dễ dàng trả lời. Tuy nhiên, câu hỏi này tạo cho học sinh nhu cầu nhận thức: Cần học để tìm hiểu kiến thức toán, giải quyết vấn đề đặt ra ở tình huống thực tế có bối cảnh thực.

12.png
Tình huống thực tế có bối cảnh thực gợi nhu cầu nhận thức vào bài học Nguyên hàm

Các bài học giúp học sinh hiểu thêm nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Trong quá trình viết sách, các tác giả đã dành nhiều tâm huyết tìm tòi, tích hợp kiến thức toán học với cuộc sống. Nhiều vấn đề của cuộc sống tưởng như xa lạ với toán học đã được các tác giả tích hợp để tạo nên những bài tập có ý nghĩa. Cách làm này không những giúp học sinh thấy được vai trò của toán học, còn có tác dụng định hướng hướng nghiệp cho học sinh. Thông qua những bài tập như vậy, học sinh có cơ hội hiểu biết thêm lĩnh vực khác, từ đó hình thành định hướng nghề nghiệp tốt hơn.

13.png
14.png
15.png

Sách giáo khoa giới thiệu những những sản phẩm đặc trưng, sáng tạo của người Việt.

Những sản phẩm sáng tạo của người Việt Nam được các tác giả lồng ghép vào các bài học. Điều này không chỉ tạo nên bài học ý nghĩa mà còn rèn luyện cho học sinh phẩm chất yêu nước, tự hào về sự sáng tạo của con người Việt Nam.

16.png

Năm nay, em Ngô Toàn Diện (học sinh lớp 11, tại Bắc Giang) sẽ bước vào năm học cuối cấp, nguyện vọng được em hướng tới chính là ngành Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa của Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong đó khối xét tuyển là A00 (Toán, Lý, Hóa).

Biết tin thay đổi sách giáo khoa, Toàn Diện vô cùng lo lắng vì đây là khóa đầu tiên học chương trình sách giáo khoa mới, cho đến khi được đọc thực tế bộ SGK Toán 12 Cánh Diều đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt sử dụng, em mới yên tâm phần nào. Bởi thông qua các bài học trong sách đã giúp em hiểu thêm một số nguyên lí về kỹ thuật của nhà máy điện thủy triều.

17.png

Bên cạnh đó, bộ sách cũng giúp người học thấy được mỗi kiến thức toán học (đặc biệt là các khái niệm toán học) thường xuất phát từ thực tiễn và sẽ được vận dụng vào giải quyết vấn đề thực tiễn.

“Đặc biệt, cuối Chương I và Chương IV, chúng em sẽ được dành thời gian tham gia hoạt động thực hành và trải nghiệm, bao gồm hai chủ đề: Chủ đề 1: Một số vấn đề về thuế; Chủ đề 2: Thực hành tạo đồng hồ Mặt Trời. Các hoạt động này sẽ giúp chúng em có thêm kiến thức về Giáo dục tài chính, thực hành, vận dụng kiến thức toán vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo”, Toàn Diện nhấn mạnh.

Theo đó, Sách giáo khoa Toán 12 Cánh Diều gồm hai tập được chia thành 6 chương. Mỗi chương bắt đầu bằng tên chương và sau đó là tên các chủ đề chính trong chương. Tên gọi của mỗi chủ đề nêu rõ những kiến thức, kĩ năng trọng tâm được đề cập trong chủ đề đó và mỗi chủ đề được chia thành các bài học.

Tập 1 gồm các chương: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số; Toạ độ của vectơ trong không gian; Các số đặc trưng đo mức độ phân tán cho mẫu số liệu ghép nhóm.

Tập 2 gồm các chương: Nguyên hàm; Tích phân; Phương trình mặt phẳng, đường thẳng, mặt cầu trong không gian; Một số yếu tố xác suất.

Còn với thầy Nguyễn Tiến Hoàng, giáo viên lớp 12 tại Hải Dương, SGK Toán 12 Cánh Diều được thiết kế theo các bước tương ứng với yêu cầu kế hoạch bài học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy rất thuận tiện cho chúng tôi trong soạn giáo án cũng như giảng dạy; giáo viên có thể trực tiếp sử dụng dạy học trong mỗi giờ lên lớp.

Thầy Hoàng còn cho biết thêm: “Mỗi bài học trong cuốn sách có cấu trúc mạch lạc về phương pháp dạy học, theo đúng tiến trình dạy học hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh”.

Ngoài ra, tiến trình dạy học được tổ chức thành chuỗi các hoạt động học tập; học sinh tham gia thực hiện các hoạt động học tập đó để hình thành và phát triển năng lực; người dạy có thể đánh giá được năng lực của người học thông qua kết quả thực hiện từng hoạt động học tập.

Học sinh chủ động kiến tạo tri thức

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên của bộ SGK Toán 12 Cánh Diều cho biết, bộ sách còn có ưu điểm vượt trội giúp học sinh có thể tự học, tự khám phá, tự kiến tạo tri thức dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

“Tiến trình hình thành bài học phải bắt đầu từ học sinh, hiểu học sinh, tổ chức bài học theo đúng tiến trình nhận thức của người học”, GS.TSKH Đỗ Đức Thái khẳng định.

Đúng theo lời của GS.TSKH Đỗ Đức Thái, mỗi bài học trong SGK Toán 12 Cánh Diều được tổ chức thành một chuỗi các hoạt động học tập, sắp xếp theo tiến trình phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của học sinh lớp 12.

Cấu trúc mỗi bài học bao gồm các thành phần cơ bản: Mở đầu, Kiến thức mới, Luyện tập, Vận dụng. Mỗi hoạt động học tập của một bài học lại bao gồm bốn hoạt động nhỏ hơn: Trải nghiệm, khởi động – Phân tích, khám phá, rút ra bài học – Thực hành, luyện tập – Vận dụng.

Điều này giúp học sinh có cơ hội phát triển các năng lực toán học then chốt, tăng cường khả năng tích hợp các kiến thức, kĩ năng ngay trong cùng một bài học. Ở mỗi bài học, các tác giả cũng chú ý đưa vào những tình huống gần gũi với thực tế đời sống giúp học sinh làm quen với việc vận dụng tổng hợp kiến thức (nhất là kiến thức liên môn) đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Không chỉ có vậy, thông qua các mục “Tìm hiểu thêm”, học sinh còn được tạo cơ hội tìm hiểu sâu thêm bài học, ứng đáp với các tình huống thách thức hơn nhằm phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và đáp ứng nhu cầu dạy học phân hoá.

Mỗi bài học trong sách Toán 12 đều được thiết kế nhiều dạng câu hỏi, bài tập hoặc hoạt động có tác dụng kích thích hứng thú và phát triển năng lực học tập môn Toán một cách sáng tạo của học sinh, đưa thêm các “bóng nói” hoặc các kí hiệu bằng hình vẽ, nhằm gợi ý khi cần thiết, hướng dẫn học sinh suy nghĩ giải quyết vấn đề hoặc trao đổi thảo luận với các bạn, các thầy cô giáo.

TS Phạm Xuân Chung, tác giả SGK Toán 12 Cánh Diều bày tỏ quan điểm rằng: “Bộ sách sẽ giúp các em nhìn nhận lại những học vấn toán học cốt lõi ở những lớp trước, chuẩn bị tốt nhất cho các em ở những kì thi cuối cấp, cũng như bước vào những bậc học cao hơn. Góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa chung cho học sinh. Trên cơ sở đó, phát triển nhân cách người học và giá trị nhân văn cao đẹp của con người. Bên cạnh đó, bộ sách còn nâng cao kĩ năng mềm thiết yếu của người công dân Thế kỷ 21, như kĩ năng về Tài chính (thông qua Giáo dục tài chính)”.

Bám sát ý tưởng xuyên suốt trong mạch Thống kê trong chương trình môn Toán 2018 là dạy học thống kê thông qua dạy học tiến trình thống kê (bao gồm các bước: thu thập và phân loại dữ liệu; mô tả và biểu diễn dữ liệu; phân tích và xử lí dữ liệu). Học sinh sẽ được bổ túc và hoàn thiện học vấn cốt lõi về các số đặc trưng đo mức độ phân tán cho dãy số liệu ghép nhóm.

SGK Toán 12 Cánh Diều còn tiếp tục giới thiệu những học vấn cốt lõi về xác suất giúp học sinh bước đầu đưa ra những hiểu biết đáng tin cậy về khả năng xảy ra của một sự kiện (hay hiện tượng) ngẫu nhiên mà chúng ta không thể dự báo được một cách chắc chắn. Học sinh sẽ được làm quen bước đầu với xác suất có điều kiện, công thức xác suất toàn phần, công thức Bayes, cách tính xác suất có điều kiện trong một số trường hợp không phức tạp.

Trong hình học và đo lường, học sinh làm quen thêm với vectơ và phương pháp tọa độ trong không gian, cùng ứng dụng vào giải các bài toán thực tế. Đây là công cụ mới đối với học sinh. Hình học sẽ giúp học sinh cảm nhận vẻ đẹp của thế giới tự nhiên, nâng cao trí tưởng tượng không gian, bồi dưỡng tính trực giác và phát triển năng lực thẩm mĩ. Những suy luận trong hình học cũng góp phần phát triển tư duy logic, khả năng sáng tạo toán học của học sinh.

Có thể thấy, nội dung SGK Toán 12 Cánh Diều đảm bảo tính kế thừa, ngôn ngữ, nội dung và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương; có thể điều chỉnh để phù hợp với khả năng học tập của nhiều nhóm đối tượng học sinh và triển khai tốt với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác của nhà trường.

Đặc biệt, SGK Toán 12 Cánh Diều được thiết kế để tránh cho học sinh viết, vẽ nên có thể sử dụng lâu dài. Mọi hoạt động trong sách đều có tính mở, tạo điều kiện để địa phương, nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; tạo cơ hội để nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương, đáp ứng yêu cầu cần đạt của mỗi bài học.

Nguồn: https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/dieu-gi-hap-dan-o-sach-giao-khoa-toan-12-bo-sach-canh-dieu-134438.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *