Học sinh chủ động đón nhận tri thức
Nếu như trước đây, giáo viên giảng dạy môn Ngữ Văn đều được biết đến là người phải trực tiếp “đổ kiến thức lên học sinh” và học sinh là người “thụ động” tiếp nhận kiến thức thì SGK Ngữ Văn 12 bộ Cánh Diều đã tháo gỡ được nút thắt này.
Theo đó, bộ SGK Ngữ Văn lớp 12 Cánh Diều gồm 2 tập do Nhà xuất bản Đại học Huế phối hợp với công ty Đầu tư Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) sản xuất. Tập 1 có 172 trang và tập 2 có 152 trang. Ngoài ra có sách chuyên đề học tập Ngữ văn 12 gồm 88 trang.
Cô Lâm Lam Mai, giáo viên Ngữ Văn THPT tại Bắc Giang chia sẻ: “Bộ sách Cánh Diều sẽ giúp học sinh chủ động đi tìm cũng như khám phá tri thức Văn học bằng chính năng lực, kỹ năng học hỏi của bản thân. Sự thay đổi lớn này đã giảm đi gánh nặng trên đôi vai của người thầy suốt nhiều năm qua khi giảng dạy môn học kén học sinh này”.
Từ thực tiễn đổi mới căn bản toàn diện đó, cô Mai cũng kỳ vọng sẽ có rất nhiều phương pháp, cách thức giảng dạy mới, đầy sáng tạo, hiệu quả của giáo viên được nở rộ trong tương lai. Mục tiêu thiết kế môn học thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi trong thi cử và đánh giá học sinh. Điều này giúp giáo viên đánh giá học sinh một cách tổng quát và chính xác nhất năng lực của các em.
“Các tác phẩm văn học sẽ trở thành vùng đất huyền bí giúp học sinh để phát huy năng lực văn chương, để văn chương là những nốt nhạc trầm bổng chạm tới tâm hồn của các em”, cô Mai nhấn mạnh.
Chưa kể, tác giả vẫn là những đội ngũ quen thuộc ở SGK môn Ngữ Văn lớp 11 bộ Cánh Diều, đây là những người thầy, người cô có chuyên môn về sư phạm, có lượng kiến thức sâu về văn chương và phê bình văn học. Đó là GS.TS Lã Nhâm Thìn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đồng Tổng Chủ biên. Chủ biên là: PGS. TS Trần Văn Toàn, các tác giả gồm: PGS.TS Bùi Minh Đức, PGS. TS Bùi Thanh Hoa, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương, PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh và TS. Nguyễn Văn Thuấn.
Đồng quan điểm với cô Mai, cô Trần Mai Hạnh đã có 25 năm giảng dạy môn Ngữ Văn tại trường PTDT Nội Trú THCS và THPT Mộc Châu cũng đánh giá rất cao bộ SGK Ngữ Văn lớp 12 Cánh Diều này. Cô Hạnh cho biết, bộ sách được thiết kế theo mô hình tích hợp, lấy hệ thống thể loại có kết hợp với các chủ đề, đề tài.
Trong đó, Tập 1 gồm 5 bài: Mở đầu; Truyện truyền kì và truyện ngắn; Hài kịch; Nhật kí, phóng sự, hồi kí; Văn tế, thơ; Văn nghị luận. Tập 2 gồm các bài: Thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh; Tiểu thuyết hiện đại; Thơ hiện đại; Văn bản thông tin tổng hợp; Tổng kết tiếng Việt, tổng kết văn học, tổng kết phương pháp đọc – viết – nói – nghe. Cuối 2 tập sách có bài Ôn tập và tự đánh giá kì cuối học kì.
Về cấu trúc, mỗi bài học chính trong sách gồm 3 phần: Phần mở đầu yêu cầu trình bày các nội dung cần đạt và kiến thức ngữ văn cơ sở để học sinh đọc hiểu, viết, nói và nghe; Phần kiến thức mới được hình thành qua nội dung phần Đọc hiểu văn bản, Viết, Nói và nghe. Phần luyện tập, vận dụng gồm Thực hành đọc hiểu, Thực hành tiếng Việt, Thực hành viết, Thực hành nói – nghe và tự đánh giá. Ở cuối sách có các phụ lục, bảng tra cứu từ ngữ, tra cứu tên riêng nước ngoài.
Cô Hạnh cho biết thêm, điểm mới của cuốn sách nằm ở phần Chuyên đề học tập là phần tự chọn nhằm đáp ứng, nhu cầu cá nhân của người học. Đây là nội dung giúp học sinh phân hóa theo định hướng nghề nghiệp, theo yêu cầu của chương trình học.
Chuyên đề học tập sẽ có 3 chuyên đề gồm: Chuyên đề 1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo vấn đề văn học hiện đại và hậu hiện đại Việt Nam; Chuyên đề 2: Tìm hiểu một tác phẩm chuyển thể từ văn học; Chuyên đề 3: Tìm hiểu phong cách sáng tác của một trường phái văn học: cổ điển, hiện thực hoặc lãng mạn. Cấu trúc gồm 2 phần Lý thuyết và Thực hành, trong đó thực hành là chính.
Theo cô Hạnh, việc thay đổi tích cực của bộ sách sẽ giúp học sinh của cô được ứng dụng thực tế trong môn học. Các kỹ năng nghe, nói, phản biện, trình bày của học sinh được chú trọng, ý tứ văn chương sẽ không còn là gánh nặng, là sự áp đặt vào trong những giờ học thay vào giờ học Văn sôi nổi, nhiều cảm xúc.
Điểm mới có trong bộ SGK Ngữ Văn 12 Cánh Diều
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đồng Tổng Chủ biên SGK môn Ngữ văn lớp 12 bộ Cánh Diều cho biết, bộ sách sẽ có 7 điểm mới đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn, yêu cầu đổi mới toàn diện của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chỉ rõ: Chúng tôi luôn luôn bám sát yêu cầu của Chương trình GDPT môn Ngữ văn năm 2018, sắp xếp hệ thống các bài học theo thể loại và kiểu văn bản kết hợp với đề tài, chủ đề văn bản.
Trong các bài giảng đều được thực hiện tích hợp cao, nhằm phát triển năng lực và giảm tải cho học sinh; do nội dung các phần của bài học liên quan, tích hợp với nhau, góp phần củng cố và làm nhẹ cho nhau.
Nội dung các bài học được thiết kế với yêu cầu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực. Các bài học không sa vào lý thuyết, chú trọng yêu cầu vận dụng, thực hành là chính.
Nội dung sách vừa kế thừa, đổi mới các văn bản hay, những đơn vị kiến thức văn học, tiếng Việt ở sách cũ nhưng đáp ứng được yêu cầu mới. Đồng thời, bổ sung một số văn bản đọc phù hợp với tâm lý lứa tuổi.
Không chỉ có vậy, sách được in màu và có nhiều hình ảnh, bảng biểu, minh hoạ đẹp, thực hiện tư tưởng coi hình thức cũng là một nội dung dạy học. Từ cấu trúc đến nội dung các bài học và hình thức trình bày của các trang sách đều hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá.
Bên cạnh SGK, sách giáo viên và phiên bản điện tử, những người làm sách còn biên soạn nội dung hỗ trợ giáo viên sử dụng phương tiện và thiết bị dạy học theo yêu cầu hiện đại trong dạy học và phải mang tính khả thi. Hiện các tác giả đang biên soạn thêm sách Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.
Điểm mới của bộ SGK Ngữ Văn lớp 12 Cánh Diều có thêm một số thể loại mới là Truyện truyền kì; Truyện và tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại; Thơ hiện đại; Nhật kí; Phóng sự; Hồi ký; Hài kịch. Nội dung tiếng Việt có thêm “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, “Lỗi logic”, “Biện pháp tư từ nói mỉa”, “Ngôn ngữ trang trọng và thân mật”,…
Ngoài ra Văn bản nghị luận và văn bản thông tin được xây dựng với nội dung và yêu cầu mới: Văn nghị luận xã hội tập trung vào đề tài quyền độc lập dân tộc, vấn đề toàn cầu hoá và bản sắc dân tộc; Nghị luận văn học là vấn đề vai trò, tác dụng của văn học và một số văn bản gắn với tác phẩm được học trong chương trình Ngữ văn 12; Văn bản thông tin tập trung vào đề tài cách mạng 4.0 và vai trò của công nghệ thông tin, bình đẳng giới.
Phần viết của sách tập trung nhiều vào nghị luận xã hội như: bàn về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ dưới hình thức bài phát biểu hoặc thư trao đổi về công việc; Nghị luận văn học tập trung vào so sánh hai tác phẩm văn học. Ngữ văn 12 có thêm Bài 10. Tổng kết văn học, tiếng Việt và cách đọc, viết, nói, nghe nhằm giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức và cách vận dụng vào các hoạt động giao tiếp.
Nguồn: https://thuonghieuvaphapluat.vn/dot-pha-doi-truc-cua-bo-sgk-ngu-van-lop-12-canh-dieu-triet-tieu-duong-song-cua-van-mau-d65397.html